20h30-21h30 ngày 27/3/2010, Việt Nam sẽ cùng với người dân trên toàn thế giới tắt những thiết bị chiếu sáng không cần thiết để góp phần ngăn chặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
19h tối 17/12, chương trình Giờ Trái đất đặc biệt diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) do WWF Quốc tế và WWF Đan Mạch phối hợp tổ chức. Một triệu người dân thành phố Copenhagen đại diện cho 6,7 tỷ công dân toàn cầu gửi thông điệp: Thế giới cần phải có những hành động kiên quyết về biến đổi khí hậu; đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới lắng nghe nguyện vọng của các công dân toàn cầu.
Thông điệp này nhằm gửi tới các nhà lãnh đạo, đại diện của 192 quốc gia trên thế giới đang có mặt trong thành phố, những người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho các vấn đề về biến đổi khí hậu được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu trong 10 ngày qua.
Cùng ngày, WWF Quốc tế tuyên bố thời gian sự kiện Giờ Trái đất năm 2010 sẽ diễn ra lúc 20h30-21h30 (giờ địa phương) ngày 27/3.
Tiếp nối thành công của Giờ Trái đất 2009, với sự tham gia của 6 tỉnh thành trên cả nước, Giờ Trái đất 2010 tại Việt Nam hy vọng sẽ được ủng hộ nhiều hơn nữa nhằm tập trung vào giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu, tại sao xuất hiện biến đổi khí hậu và những gì chúng ta có thể làm để ngăn chặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Việc tắt đèn và những thiết bị điện không cần thiết không phải là công việc khó khăn, nhưng nó thực sự cần sự cố gắng, tình yêu và trách nhiệm đối với hành tinh này, để hành động đó trở thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân", Phương Ngân, cán bộ truyền thông và thành viên nhóm thực hiện chương trình Giờ Trái đất của WWF Việt Nam phát biểu.
Vừa trở về từ chuyến thám hiểm Châu Nam Cực cùng 5 thành viên khác của Việt Nam, Ngân cho biết, đã được chứng kiến những tác động rõ ràng của biến đổi khí hậu lên châu lục này. Trong những năm gần đây, một số khối băng lớn với trọng lượng hàng trăm tỷ tấn (như khối băng Larsen B) đã vỡ thành những mảnh nhỏ do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
"Băng tan có nghĩa là mực nước biển sẽ dâng cao, ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề lên những nước có đường bờ biển như Việt Nam. Đã đến lúc người dân Việt Nam cần nhận thức được vấn đề biến đổi khí hậu và những tác động của nó đối với chính cuộc sống của họ. Đó cũng chính là mục tiêu chính của chương trình Giờ Trái Đất 2010", Phương Ngân nhấn mạnh.
Giờ Trái đất là sáng kiến toàn cầu của WWF về Biến đổi Khí hậu, bắt nguồn từ Sydney (Australia) và trở thành chương trình toàn cầu trong 2 năm vừa qua, với sự tham gia của hơn 1 tỷ người tại hơn 4.000 thành phố và thị trấn của 88 quốc gia năm 2009. Chương trình kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cùng tắt các thiết bị chiếu sáng không cần thiết vào lúc 20h30-21h30 tối thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hằng năm.
Việt Nam tham gia Giờ Trái đất lần đầu tiên năm 2009, với sự tham gia của Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Hội An, Huế và Khánh Hoà.